Trung tâm phát triển Doanh nghiệp và Thương hiệu (VUSTA-BEC)
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 121 BT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay hơn 40 năm thành lập và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có hệ thống từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 3,7 triệu hội viên, 152 hội thành viên, 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm bao gồm báo, báo điện tử, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin điện tử và ấn phẩm khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo 40 năm Ngày thành lập VUSTA
Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp và Thương hiệu (viết tắt là BEC) là đơn vị sự nghiệp khoa học trung ương hoạt động toàn quốc phi lợi nhuận trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt điều lệ theo quyết định số: 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015), Trung tâm BEC thành lập theo Quyết định số: 111/QĐ-LHHVN ngày 6/2/2020 của Đoàn Chủ tịch hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐKH, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp và Thương hiệu.
Chủ tịch HĐKH của trung tâm là Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương.
Trung tâm được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ số: A-2199 ngày 27/2/2020. Trung tâm là tổ chức khoa học tập hợp các chuyên gia nghiên cứu về chiến lược, hỗ trợ tư vấn chính sách về kinh tế vĩ mô, nghiên cứu thị trường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đánh giá mức độ tín nhiệm doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; khảo sát đánh giá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, thị trường; đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô nhỏ, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp 65-70% GDP, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để nắm bắt cơ hội trong xu thế hội nhập toàn cầu các Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới CPTPP, EVFTA, RCEP... nhằm phát huy tiềm lực và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 499 triệu người, quy mô GDP lên tới 10,6 nghìn tỷ USD, tương đương 13,3% GDP thế giới. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cánh cửa vào thị trường có quy mô GDP đạt 18 nghìn tỷ USD, tương đương 22,6% GDP thế giới. Trong khi đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên 2,2 tỷ người, quy mô GDP tương đương 26.200 tỷ USD, trở thành khu vực thương mại tự do lớn trên thế giới.
Trung tâm với chức năng là tổ chức cầu nối hiệu quả để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong nước và quốc tế.