Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021.
Đại diện các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ để nắm bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế để lên kế hoạch chuẩn bị về nhân sự và chiến lược kinh doanh phù hợp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện một loạt các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, đại diện các doanh nghiêp mong muốn Chính phủ thắt chặt quản lý sở hữu trí tuệ; đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ DN.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm chưa từng có trong lịch sử gần đây, việc nước ta kiểm soát được dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng dương (2,12% trong 9 tháng đầu năm) là tín hiệu đáng mừng, nhờ quyết tâm cao, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.
Bệnh cạnh phương châm “chống dịch như chống giặc” nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Chính phủ thấu hiểu và nhanh chóng ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng…, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.
Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn triển khai; ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bênh cạnh đó, Chính phủ vẫn luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thể hiện qua việc cắt giảm trên 3.800 điều kiện kinh doanh, hơn 6.770 danh mục hang hóa phải kiểm tra chuyên ngành…Với cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Việt Nam cũng đã kết nối thêm với 5 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines, nâng tổng số thành viên đã kết nối lên 9 nước. Tổng số chứng nhận xuất xứ (C/O) tiếp nhận từ các nước ASEAN đạt trên 179.000 trong khi tổng số C/O gửi sang các nước ASEAN là trên 263.000.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên trước mắt còn nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong việc khai thác cơ hội từ các Hiệp định thượng mại đang triển khai.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN cũng như các doanh nghiệp thành viên quan tâm hơn nữa về thị trường ASEAN vốn đang có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây.
Theo Phó Thủ tướng, tổng kim ngạch hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với 25 năm trước đây và chiếm tỷ trọng 11% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu từ các nước ASEAN trong suốt 25 năm qua. Tính đến cuối tháng 7/2020, vốn FDI của các nhà đầu tư ASEAN vào Việt Nam đạt gần 82 tỷ USD, chiếm 21,6% tống vốn đăng ký vào Việt Nam. Đặc biệt, quy mô bình quân một dự án của các nước ASEAN là 19,9 triệu USD, cao hơn mức trung bình của các dự án FDI vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội cũng như thách thức trong quá trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Kinh nghiệm 2 tháng vừa qua cho thấy doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt đều là những doanh nghiệp đầu tiên khai thác tốt lợi ích từ Hiệp định EVFTA.
Về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ bảo đảm thúc đẩy bảo vệ sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do; đã ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng đăng ký sở hữu trí tuệ để được bảo vệ vì thực tế đã có sản phẩm nước mắm của Việt Nam bị mất thương hiệu.