Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19
11:34 - 24/09/2021
Từ ngày 08 đến 15 tháng 9 năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan đã được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến.
Hội nhà báo Việt Nam, "Diễn đàn Kinh tế ASEAN 2024" lần thứ 5 sẽ diễn ra vào 18/5/2024 tại Singapore
Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản về ứng phó đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế
25 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28/7/1995-28/7/2020)
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Theo đó, chuỗi Hôi nghị được diễn ra bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 35; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 13; Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các Đối tác đối thoại gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Ốt-xtrây-lia, Niu-Di lân, Vương quốc Anh, Thụy Sỹ, Hong Kong đã lần lượt diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế thứ 2 Bru-nây Đa-rút-xa-lam, ngài Mohd Amin Liew Abdullah, Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác và sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Lim-Gióc-Hoi.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình triển khai các biện pháp đối phó với dịch bệnh Covid-19, đồng thời ghi nhận những nỗ lực chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và khu vực trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch như: Việc thực hiện Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19, Biên bản ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19… Các Bộ trưởng đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Bagawan về chuyển đổi số trong ASEAN để đẩy nhanh phục hồi kinh tế ASEAN và hội nhập kinh tế số.
Các Bộ trưởng cũng trao đổi và ghi nhận tình hình thực hiện các sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Bru-nây, nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, thảo luận về các Kế hoạch, Chương trình hành động dài hạn của ASEAN hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong khu vực như: Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN, kiến nghị của của Nhóm Đặc trách cấp cao về Hội nhập kinh tế ASEAN…, các chương trình làm việc về hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác.
Các Bộ trưởng cũng dành thời gian thảo luận và ghi nhận các kiến nghị của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, đại diện khu vực tư nhân từ các nước đối tác và khu vực, rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2021.
Tại các Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các Đối tác đối thoại, các Bộ trưởng cũng cập nhật tình hình hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác, đồng thời thảo luận việc thực thi và đàm phán nâng cấp một số hiệp định thương mại tự do hiện hành giữa ASEAN và các nước: Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, cũng như tiến độ phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu đưa Hiệp định đi vào thực thi vào đầu năm 2022, nhằm góp phần thúc đẩy thương mại, củng cố chuỗi cung ứng khu vực, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế ASEAN và khu vực sau đại dịch.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng thảo luận về đề xuất của Nhật Bản về “Sáng kiến Tăng trưởng sáng tạo và bền vững ASEAN-Nhật Bản”, với mục tiêu thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới tăng trưởng bền vững trong tương lai và thông qua 02 tuyên bố chung lần lượt giữa ASEAN và Trung Quốc và Vương quốc Anh, nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường quan hệ thương mại đầu tư giữa ASEAN và các nước đối tác này.
Tham gia thảo luận tại các Hội nghị, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến đối với vấn đề hợp tác kinh tế nội khối ASEAN với mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và củng cố các chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động đề xuất, đưa ra các kiến nghị định hướng trong hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung như củng cố chuỗi cung ứng khu vực và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh nền kinh tế giới đang có nhiều thay đổi và chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Nguồn: http://www.moit.gov.vn