Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019
00:42 - 06/04/2020
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Đổi mới cách thức triển khai XTTM nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu”.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD là điểm sáng của nền kinh tế
Thư chúc mừng cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2021
GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2-2,5%, năm 2021 là 6,7%
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản về ứng phó đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế
Ngày 12 tháng 4 năm 2019, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Đổi mới cách thức triển khai XTTM nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu” đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút hơn 350 đại biểu đến từ các Bộ ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, các Doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng, các đại sứ quán, thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại, hỗ trợ kinh doanh ở trong nước và nước ngoài cùng nhiều phóng viên báo đài đến đưa tin về sự kiện.
Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2019, các chuyên gia kinh tế trong nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ như Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện công ty Amazon Global Selling, đã trao đổi, nhận định, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xu hướng thị trường thế giới và các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nhằm triển khai hiệu quả hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu hiện nay, cách thức tiếp cận thị trường với hình thức XTTM qua môi trường thương mại điện tử, các chia sẻ về tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu, trong đó khuyến khích sự chuyển biến về tư duy và hành động của doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh XTTM khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.
Tham dự và chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng “Để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng; cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn trong xúc tiến thương mại”
Ở góc độ của mình, một số doanh nghiệp đại diện khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khẳng định để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, trước hết là tìm hiểu thông tin về thị trường, yêu cầu của nhà nhập khẩu để từ đó có phương án kinh doanh sát với thực tế, phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, để giải được bài toán thiếu hụt nguồn lực luôn thách thức các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số khuyến nghị được đưa ra đối với các cơ quan XTTM và hiệp hội ngành hàng là cần định hướng hoạt động trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp đồng thời có khả năng thực thi các hoạt động XTTM trong và ngoài nước một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Về phía đơn vị đầu mối của Bộ Công Thương về công tác XTTM, Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng trọng tâm hỗ trợ của Cục trong thời gian tới, trách nhiệm của nhà nước là đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng các hoạt động hỗ trợ theo chiều sâu như cung cấp thông tin, tư vấn cụ thể về thị trường, nỗ lực kết nối với các tổ chức, đối tác nước ngoài để đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chủ động và tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Theo Cục Xúc tiến thương mại